Người ta nhận thấy 86% các cặp vợ chồng đó đều sống tự lập ngay sau khi làm lễ thành hôn. Những đôi này hầu như không cần đến sự giúp đỡ của gia đình hai bên về mặt tài chính.Kinh nghiệm cho thấy trong bất cứ mối quan hệ nào, một khi đã lệ thuộc về kinh tế tất yếu sẽ kéo theo những lệ thuộc khác. Nhà khoa học Ican Caide đưa ra một thí dụ như sau về sự lệ thuộc. Chẳng hạn cứ mỗi tháng bạn lại nhận được từ một người nào đó gửi cho 1000 euro qua đường bưu điện mà không hề yêu cầu bạn phải làm bất cứ cái gì cho họ cả, có vẻ như bạn chưa lệ thuộc gì vào họ. Bạn được chi tiêu số tiền đó thoải mái theo cách bạn thích.Nhưng sau một thời gian đều đặn như vậy đến một ngày bỗng nhiên họ không gửi tiền nữa, nhất định việc chi tiêu thường ngày của bạn sẽ gặp khó khăn, một số thói quen trong sinh hoạt phải thay đổi đi cho cân đối với thu nhập mình có. Nếu những thay đổi đó ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống của bạn khiến bạn không chịu nổi, phải kêu nài người đó tiếp tục gửi tiền cho thì bạn đã bắt đầu lệ thuộc về tài chính. Nếu bạn phải làm cái gì đó để được họ gửi tiếp thì từ tài chính đã kéo theo chuyện khác.Theo nhà tâm lý học Edmund J.Bourne, lệ thuộc là xu hướng đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của chính mình. Nghĩa là để làm vừa lòng ai đó, bạn sẵn sàng giảm bớt hoặc hi sinh những nhu cầu của mình. Niềm hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào việc bạn cảm thấy người đó hài lòng đến mức nào.Nhưng có người lại nói: "Tôi lệ thuộc vào cha mẹ tôi đã sao, vì cha mẹ bao giờ chẳng thương con và mong muốn cho con sung sướng". Trong thực tế, không ít người trẻ tuổi ngày nay vẫn mong muốn được cha mẹ hỗ trợ về kinh tế càng nhiều càng tốt, thậm chí có những người coi đó là tiêu chuẩn hàng đầu của đối tượng kết hôn và những mơ ước ấy được thể hiện bằng cách nói có vần có điệu khi chọn người yêu như nhà mặt phố, bố làm to hoặc đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu. Khoan hãy nói đến chuyện đẹp trai, học giỏi - điều này cũng có nhiều cái đáng bàn, trong phạm vi bài này chỉ xin nói về khía cạnh con nhà giàu.Dưới đây là câu chuyện ghi được từ một trung tâm tư vấn hôn nhân qua điện thoại 1088 ở Hà Nội. Duyên là con gái một gia đình giàu có kết hôn với Tuấn cũng là con một gia đình vào loại khá giả. Nhà gái thương con phải về làm dâu trong một gia đình khá đông người nên cho con gái một căn hộ chung cư cao cấp, coi như của hồi môn. Như để đáp lại, gia đình nhà trai bỏ tiền trang bị giường tủ, bàn ghế và các tiện nghi hiện đại trong nhà như tivi, máy giặt, tủ lạnh... Khó có đôi vợ chồng nào có điều kiện như thế, lại được ở riêng không phải chung đụng với ai. Không ngờ ngay sau lễ cưới ít lâu, gia đình nhà trai, nhất là cô chị dâu, ngồi đâu cũng phàn nàn về việc cưới xin tốn kém, sắm cho từ cái bếp sắm đi mà rước phải nàng dâu đoảng vị, chẳng được tích sự gì.Người vợ trẻ nghe được những tiếng xì xầm này ấm ức lắm nên mỗi lần giáp mặt chị dâu chồng, hai bên mặt sưng mày xỉa. Khi những lời chì chiết đó đến tai bố mẹ vợ, cả hai ông bà cùng điên tiết bắt con đem trả hết những đồ mà nhà trai mua sắm cho và trang bị lại từ đầu. Thế là từ đó, hai bên thông gia không nhìn mặt nhau, đôi vợ chồng trẻ cũng sinh ra lục đục. Đến khi chồng bênh bố mẹ mình, cho là vợ hỗn láo, đánh vợ một tát thì lập tức anh ta bị bố mẹ vợ đuổi ra khỏi nhà. Cuộc hôn nhân chưa vượt qua được năm đầu đã tan vỡ.Trường hợp của Thùy Chi lại khác, cô tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, trong khi chưa tìm được việc làm thì gặp Dương, con trai một gia đình giàu có làm đại lý xi măng buôn bán hàng trăm tấn mỗi ngày. Yêu nhau được mấy tháng thì Dương đòi cưới. Lấy nhau xong, Chi được đi học lái xe con để hàng ngày đưa mẹ chồng đi các đền phủ. Nhưng khác với các lái xe thông thường, đến nơi nào, Chi lại phải tháp tùng mẹ chồng vào những nơi cúng bái, có những ngôi chùa leo trèo hàng trăm bậc. Khi về đến nhà Chi đã mệt nhoài nhưng vẫn phải xoa bóp cho mẹ chồng hàng giờ đồng hồ.Công việc mà Chi ngán ngẩm nhất sau đó là đếm tiền, mỗi ngày cô phải đếm đến mấy bao tải tiền hàng. Cho đến lúc được lên giường thì người đã rã rời không có cảm hứng gì trước đòi hỏi của chồng. Chính vì thế, sẵn tiền anh ta tìm đến với những cô ca-ve rất trẻ để được "phục vụ chuyên nghiệp" và từ đó anh ta đối xử với vợ không khác gì kẻ ăn người làm. Chi cảm thấy mình không thể tiếp tục cuộc sống như thế được nhưng làm thế nào để thay đổi nó thì cô không biết, khi cả hai vợ chồng đều hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ.Nếu kể những chuyện con cái đã trưởng thành nhưng không có khả năng tự lập, phải lệ thuộc kinh tế vào cha mẹ nhưng lại không nghe theo sự điều khiển của cha mẹ, muốn sống theo ý mình, lâm vào cảnh lục đục triền miên, có lẽ bảy ngày kể không hết. Nhiều đôi khác chưa đến nỗi tan vỡ nhưng sống trong gia đình nhà vợ hay nhà chồng, lại không tự lập được thường phải chấp nhận sự can thiệp ngày càng sâu của cha mẹ. Trong con mắt cha mẹ, dù con đã bao nhiêu tuổi vẫn cứ là "trẻ con" và vẫn cứ "ngu dại" nên bất cứ việc gì từ lớn đến nhỏ, cha mẹ vẫn can thiệp vào làm cho có khi mâu thuẫn vợ chồng từ bé xé ra to. Thực ra, khi vợ chồng có mâu thuẫn, họ phải tự giải quyết với nhau. Chỉ có như thế họ mới trưởng thành được. Nếu mọi mâu thuẫn đều trông chờ cha mẹ phân xử thì mãi mãi họ vẫn chỉ là hai "đứa trẻ".Vả lại, cha mẹ không thích hợp với vai trò quan toà chút nào, vì trước hết họ thường không khách quan, thường nghĩ con mình đúng, con người khác sai. Cách phân xử như vậy chỉ làm đôi vợ chồng trẻ đã lục đục lại càng lục đục thêm. Các nghiên cứu về gia đình trẻ cũng khẳng định, khi hai người kết hôn với nhau, lý tưởng nhất là có chỗ ở riêng, có đủ điều kiện để sống tự lập mà không dựa vào sự tài trợ của hai bên gia đình.Ở nhiều nước phát triển hiện nay, đi kèm tờ giấy đăng ký kết hôn là một tờ phiếu mua nhà trả góp, nếu cặp vợ chồng trẻ có nhu cầu. Một số nước Bắc Âu như Thụy Điển, thanh niên đến tuổi trưởng thành đều được nhà nước cấp cho một căn hộ, nếu họ muốn sống riêng. Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, vợ chồng trẻ có khả năng dành dụm đủ tiền để mua một căn hộ riêng, hay được cha mẹ mua nhà riêng cho là chuyện hãn hữu. Đa số vẫn sống chung với cha mẹ, anh em, dù muốn hay không muốn.Những đôi vợ chồng nào tự lập được về mặt kinh tế hoặc có khả năng giúp đỡ cha mẹ về mặt kinh tế thì thường khả năng độc lập của họ về mọi phương diện cao hơn, họ dễ có hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, cũng là tự lập nhưng hoàn cảnh kinh tế ban đầu của các cặp vợ chồng rất chênh lệch nhau, điều đó không có gì lạ. Khảo sát thực tế cho thấy việc họ có xây dựng được hạnh phúc hay không lại không phụ thuộc vào khả năng kinh tế của họ cao hay thấp mà ở chỗ họ sống tự lập hay phụ thuộc vào cha mẹ. Kinh nghiệm cho biết, càng phụ thuộc thì hạnh phúc càng mong manh.Để tránh bị lệ thuộc, trước khi kết hôn cần lưu ý là hai người sắp kết hôn đã trưởng thành chưa. Tất nhiên khi đã đủ tuổi kết hôn là đã trưởng thành về mặt sinh học nhưng điều đáng lưu ý là sự trưởng thành về mặt xã hội. Dấu hiệu nhận biết sự trưởng thành này gắn liền với khả năng tự lập về kinh tế, khi con người đã có một nghề nghiệp, kiếm được đủ tiền để duy trì và xây dựng gia đình. Người ta phải khẳng định cho mình một giá trị trước khi đến với hôn nhân, chứ đừng trông đợi hôn nhân sẽ đem lại cho mình một giá trị.Dù bạn có kết hôn với ai, cha mẹ người đó có địa vị thế nào, cũng không phải nhờ đó mà bạn có được một chỗ đứng trong xã hội. Nếu bạn bước vào hôn nhân với hai bàn tay trắng, đến nghề nghiệp cũng chưa có, không có khả năng kiếm ra đồng tiền nào, phải sống dựa vào cha mẹ thì rất khó hi vọng tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân. Bởi vì về mặt xã hội, bạn chưa truởng thành.Có người lại cho rằng nếu chớp được thời cơ, cứ cưới đi rồi "trời sinh voi, trời sinh cỏ" lo gì! Đó chính là nỗi bất hạnh khó tránh khỏi của những đôi vợ chồng kết hôn khi họ chưa trưởng thành và trở thành gánh nặng của cha mẹ. Cũng có những đôi, nếu dựa trên khả năng kinh tế của chính họ thì chỉ có thể có được mức sống trung bình như phần lớn những đôi mới kết hôn khác, nhưng họ lại dựa vào tài sản của cha mẹ để có mức sống phong lưu, thậm chí ôtô, nhà lầu, tiêu pha không cần đếm.Thực ra ngôi nhà hạnh phúc của họ đang xây trên cát hoặc giống như con thuyền nhỏ không có người chèo mà được một con tàu lớn kéo theo sau, đi về nơi nào không theo ý họ. Chính vì thế, mới đây trả lời câu hỏi của tạp chí Family ở Mỹ: "Điều kiện tiên quyết để hôn nhân hạnh phúc là gì?", nhà tâm lý hiện đại W.Stevenson nói ngắn gọn: "Tự lập".