Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11), ngôi trường duy nhất ở TP.HCM dạt chuẩn quốc gia bậc THPTNhưng, đối với TP.HCM - và một số địa phương tương tự - đạt được tỉ lệ này như Bộ GD-ĐT quy định chẳng khác nào “ước mơ vươn đến những vì sao”.Không còn trường lớp tranh tre nứa lá. Chẳng còn lớp học ca ba. Cũng không thiếu những ngôi trường có trang thiết bị hiện đại. Nhưng, số lượng trường của TP.HCM đạt chuẩn QG - một mục tiêu ngành GD-ĐT vươn đến - mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Diện tích đất trung bình tính trên đầu HS của TP.HCM là 2,2 m2/HS trong khi chuẩn QG quy định 6,2 m2/HS (nội thành) và 10 m2/HS (ngoại thành). Ông Trần Mậu Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, tâm sự: “Trong 5 tiêu chuẩn để được công nhận chuẩn QG (công tác tổ chức quản lý nhà trường; trình độ giáo viên; tổ chức trường lớp, cơ sở vật chất và thiết bị; chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ và thực hiện xã hội hóa giáo dục; sĩ số HS tối đa 45 HS/lớp) thì chuẩn sĩ số là khó đạt nhất! Giỏi lắm chúng tôi cũng chỉ đạt… 4 chuẩn rưỡi”. Không riêng Trường THCS Trần Văn Ơn, rào cản lớn nhất hiện nay của các trường ở quận trung tâm, các trường “top” chính là phải gắng sức gánh sĩ số HS từ 45- 50 em/lớp (bậc tiểu học) hoặc 50 – 55 HS/lớp (bậc THCS). Trường TH Nguyễn Thái Sơn, quận 3 bị vuột nhiều danh hiệu thi đua cấp Bộ vì… đông HS quá! Kế hoạch xây dựng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm đạt chuẩn QG của quận 1 cũng đã bị phá sản cách đây vài năm khi PHHS ái mộ trường mới xây ào ào kéo về. Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3 phấn đấu 4 năm sau có quy mô còn… 50 lớp, nhưng con số này vẫn vượt cả chục lớp so với chuẩn.Không chỉ các quận trung tâm gặp khó khăn mà áp lực dân nhập cư cũng khiến các quận mới, huyện ngoại thành bối rối. Bà Lê Thị Minh Loan, Phó Trưởng phòng Giáo dục quận 9, cho biết: “Các trường ở khu vực đô thị hóa như Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú, Phước Bình đông HS, khó đạt chuẩn QG được. Quận cố gắng lắm mới có trường TH Phong Phú và THCS Hoa Lư chuẩn QG”. Trong lần phát biểu tại hội nghị thi đua khen thưởng, lãnh đạo quận 11 khẳng định: “Đất đai nội thành ngày càng khan hiếm nên quận muốn xây dựng những ngôi trường cao nhiều tầng, có thang máy để HS sử dụng”. Ưu tiên giải quyết cho HS có chỗ học hơn là chuẩn QG cũng chính là quan điểm của các quận nội đô hiện nay, như bộc bạch của Trưởng phòng GD quận 12 Trần Trung Hiếu: “Sĩ số cao cũng phải chịu chứ không thể bỏ HS bơ vơ”. Mặt khác, cái danh chuẩn QG có tiếng nhưng không có miếng khiến nhiều trường không mặn mà. Một GV Trường TH Đống Đa, quận Tân Bình so sánh: Do sĩ số HS ít, dạy học có khỏe hơn nhưng mỗi tháng lương của tôi hụt hơn trước cả 200.000 đồng. Từ sau năm 2000 khi chuẩn QG được ban hành, việc thiết kế trường theo hướng chuẩn QG mới được quan tâm. Trong khi đó, phần lớn các trường mầm non, phổ thông của TP.HCM không có phòng ốc đúng quy cách, thiếu sân chơi, phòng thực hành…, nhiều trường cải tạo từ nhà ở mà thành. Ngành GD có hơn 1.400 trường học mầm non và phổ thông, nhưng đến nay chỉ có 21 trường mầm non, 20 trường TH, 7 trường THCS đạt chuẩn QG. Bậc THPT chỉ duy nhất Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11 đạt chuẩn. Trong 5 quận hoàn thành PCGD theo QĐ của TPHCM (Quyết định 301/2003/QĐ-UB quy định tạm thời chuẩn PCGD bậc trung học của TP.HCM giai đoạn 2003 - 2005) thì quận 1 và quận 3 chưa có trường phổ thông đạt chuẩn QG. Gò Vấp và quận 10 là 2 quận đầu tiên đạt chuẩn PCGD bậc trung học vào cuối năm 2003 nhưng trường đạt chuẩn QG thì Gò Vấp chỉ có 1 (THCS Nguyễn Du), quận 10 có 2 (TH Võ Trường Toản, THCS Nguyễn Văn Tố). Theo bà Lã Thị Thanh Phương, Trưởng phòng GD quận 10, để có một trường đạt chuẩn QG đòi hỏi cả một quá trình. Ông Lê Trường Kỳ, Trưởng phòng GD-ĐT quận 3, cho biết quận đang “thai nghén” dự án Trường Tiểu học Nhiêu Lộc - được xây mới hoàn toàn - thành trường chuẩn, do vậy may ra 2 năm nữa quận 3 mới có trường tiểu học đầu tiên chuẩn QG.Đặt ra chuẩn QG, Bộ GD-ĐT hẳn mong muốn HS được học tập trong môi trường chuẩn, sĩ số HS trường/lớp thấp giúp người thầy có điều kiện quan tâm sâu sát đến từng HS. Tuy nhiên, lấy tiêu chuẩn QG là điều kiện để công nhận hoàn thành PCGD bậc trung học quả là một nhiệm vụ bất khả thi đối với các đô thị lớn đất chật người đông như TPHCM. Trong nỗ lực nâng cao học vấn cho người lao động, nhiều quận, huyện của TP luôn mang nặng mối ưu tư: Nếu không có đủ số trường đạt chuẩn QG, TP sẽ không được công nhận hoàn thành PCGD bậc trung học?